LÃNH ĐẠO BẢN THÂN – GỐC RỄ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VÀ DOANH NGHIỆP

lanh-dao-ban-than

Andy Stanley, mục sư cấp cao của North Point Ministries, từng nói rằng “Bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà lãnh đạo đáng noi theo nếu bạn không lãnh đạo bản thân tốt.” Nói cách khác, quản lý bản thân hiệu quả chính là khởi nguồn của một người dẫn đường tài ba và đáng kính. Vậy lãnh đạo bản thân là gì và làm sao để lãnh đạo bản thân tốt? Câu trả lời sẽ được Nam Phong Group giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Lãnh đạo bản thân là gì?

Charles C. Manz – Tiến sĩ về lãnh đạo doanh nghiệp Trường Đại học Massachusetts cho rằng: lãnh đạo bản thân là khả năng tự thúc đẩy bản thân làm những việc mình có động lực cũng như những việc bản thân không quá hứng thú.

Đến năm 2019, Marieta Du Plessis – giáo sư trường Đại học Western Cape đưa ra một định nghĩa khác cho thuật ngữ này. Định nghĩa của bà không đối nghịch với định nghĩa của Charles C. Manz. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh hơn vào tầm quan trọng của việc được truyền cảm hứng thông qua hệ giá trị và mục tiêu đã được thiết lập từ trước.

Tóm lại, lãnh đạo bản thân chính là việc một người thể quản lý và kiểm soát tốt những suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành vi của mình. Bên cạnh đó, họ sẽ luôn biết mình là gì, khả năng của mình tới đâu và con đường phía trước sẽ như thế nào.

Khái niệm về lãnh đạo bản thân
Khái niệm về lãnh đạo bản thân

2. Lợi ích khi lãnh đạo bản thân tốt

Không phải ngẫu nhiên mà nhà triết gia vĩ đại người Hy Lạp nói rằng “Chiến thắng đầu tiên và vĩ đại nhất là chiến thắng bản thân mình.” Thực chất, chúng ta không phải trở thành lãnh đạo mới cần lãnh đạo chính mình, mà chúng ta phải quản lý được chính mình mới có thể trở thành lãnh đạo. Cùng tìm hiểu 4 lợi ích mà bạn sẽ nhận được khi có kỹ năng lãnh đạo bản thân dưới đây.

1 – Tăng năng suất làm việc hiệu quả

Một người có khả năng lãnh đạo bản thân tốt sẽ biết cách quản lý thời gian, thực hiện mục tiêu quan trọng và đối phó tốt trước thách thức. Đây chính là yếu tố tiên quyết để không chỉ người lãnh đạo mà còn cả nhân sự đạt được hiệu suất cao và hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả.

2 – Làm việc trách nhiệm được sếp, đồng nghiệp coi trọng

Một người quản lý bản thân hiệu quả sẽ thể hiện được sự trách nhiệm trong công việc. Họ cũng là những người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để không ngừng cải thiện và tiến bộ.

Hơn thế nữa, nhờ việc tự nhận thức và học hỏi không ngừng, nhân sự này làm việc năng suất, tính cam kết cao, mang đến nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Nhờ đó, những người lãnh đạo bản thân tốt sẽ tạo niềm tin từ phía sếp cũng như sự tôn trọng của những người đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội để họ mở rộng khả năng thăng tiến sự nghiệp trong tương lai.

3 – Xây dựng mối quan hệ bền, tốt đẹp với mọi người

Kỹ năng lãnh đạo bản thân giúp bạn phát triển khả năng giao tiếp, lắng nghe và hiểu người khác. Điều này hỗ trợ bạn xây dựng mối quan hệ tốt và bền vững với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới và những người xung quanh.

Không chỉ vậy, việc nhận được sự tin tưởng và kính trọng từ sếp cũng như đồng nghiệp là yếu tố quan trọng để bạn xây dựng một môi trường làm việc thoải mái.

4 – Truyền cảm hứng cho người khác

Nếu bạn là một lãnh đạo có khả năng lãnh đạo bản thân tốt, sẽ giúp bạn truyền cảm hứng cho nhân viên một cách tự nhiên. Người lãnh đạo thể hiện được tính kỷ luật, khả năng giải quyết vấn đề và cam kết đối với mục tiêu chung, sẽ là động lực vô tận để nhân viên dõi theo.

Ngay cả khi không ở vị trí quản lý, bạn vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho đồng nghiệp nếu biết quản lý bản thân tốt. Khi bạn liên tục chứng minh thành công của mình nhờ sự thấu hiểu bản thân, có mục tiêu và hết mình theo đuổi nó, điều đó sẽ khích lệ người khác cũng hành động tương tự.

 5 Lợi ích khi kỹ năng lãnh đạo bản thân tốt
5 Lợi ích khi kỹ năng lãnh đạo bản thân tốt

3. Yếu tố cốt lõi để lãnh đạo bản thân thành công

Lãnh đạo bản thân hiệu quả là sự kết hợp và tương hỗ của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là 5 yếu tố cốt lõi mà bạn nên biết để quản lý chính mình hiệu quả.

3.1. Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của bản thân

Yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất để lãnh đạo bản thân tốt là hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của bản thân. Hai nhà tâm lý học Shelley Duval và Robert Wicklund đã đưa ra nhận định: “Tự nhận thức cho phép bạn nhìn nhận, đánh giá và đối chiếu hành hành động, suy nghĩ, cảm nhận của bản thân với những tiêu chuẩn có tính đúng đắn. Sự so sánh này dẫn đến việc thay đổi hành vi với những việc con người không hài lòng với bản thân.”

Kỹ năng tự nhận thức bản thân sẽ giúp bạn hiểu được nhu cầu, động cơ cho việc mình làm. Kỹ năng này sẽ bao gồm 4 yếu tố nội hàm chính: tính cách, điểm mạnh và điểm yếu, hệ giá trị, tài năng và sở thích.

  • Tính cách: Tính cách là sự giải thích hợp lý nhất cho suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người. Theo mô hình Big-Five, những người thuộc nhóm tính cách tận tâm (Conscientious) sẽ tự lãnh đạo tốt vì có biết cách kiểm soát cảm xúc và hiểu rằng hành vi của mình mình có thể ảnh hưởng người khác. Hãy thử làm bài test MBTI để hiểu hơn về tính cách của mình.

  • Điểm mạnh và điểm yếu: Hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân giúp bạn xây dựng một cơ sở vững chắc cho việc tự lãnh đạo và phát triển cá nhân. Điều này cho phép bạn tập trung vào những khía cạnh tích cực và đối mặt với những thách thức một cách thông thái.

  • Biết về hệ giá trị của bản thân: Hiểu được thứ quan trọng và ý nghĩa với bản thân sẽ giúp mở khóa động cơ của những quyết định của bạn. Từ đó có thể điều chỉnh để quản lý bản thân tốt hơn.

  • Tài năng và sở thích: Tài năng và sở thích không chỉ là những yếu tố cá nhân mà còn có thể góp phần quan trọng vào khả năng tự lãnh đạo bản thân. Nhận thức đúng những gì mình có sẽ giúp bạn tối ưu hóa điểm mạnh trong quá trình quản lý bản thân.

Để lãnh đạo được bản thân cần hiểu rõ về bản thân
Để lãnh đạo được bản thân cần hiểu rõ về bản thân

3.2. Xác định mục đích và mục tiêu sống rõ ràng 

Doanh nhân người Mỹ – William Clement Stone chia sẻ quan điểm của mình: “Xác định được mục đích là khởi đầu của mọi thành tựu.” Nói cách khác, bạn cần biết được điều bản thân khao khát đạt được và luôn muốn hướng tới. Từ đó, bạn mới có thể lãnh đạo bản thân để nỗ lực, kiên trì theo đuổi mục đích đó.

Một trong những mô hình phổ biến nhất để bạn xác lập mục tiêu cho mình là mô hình SMART:

  • S: Specific (cụ thể)

  • M: Measurable (có thể đo lường)

  • A: Achievable (có thể đạt được)

  • R: Relevant (có tính liên quan)

  • T: Time bound (giới hạn thời gian)

Hãy suy nghĩ nghiêm túc về mục tiêu của mình sau đó đối chiếu nó với từng tiêu chí trong mô hình SMART để xem rằng đó có thực sự là mục tiêu đúng đắn hay không. Bên cạnh đó, đừng quên xây dựng cho mình những kế hoạch dự phòng, chia nhỏ quãng đường để đến đích. Cuối cùng, bạn cần liên tục nhắc nhở khuyến khích bản thân làm hết sức để chạm tới mục tiêu.

3.3. Kế hoạch phát triển bản thân

Một yếu tố cốt lõi khác để lãnh đạo bản thân thành công là cần có kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng, tối ưu. Đây chính là kim chỉ nam nói cho bạn biết bạn đang ở đâu, muốn đạt tới đâu và làm thế nào để đạt được điều đó.

Kế hoạch phát triển bản thân được xây dựng dựa trên khả năng tự nhận đánh, đánh giá, trải nghiệm và xác định mục tiêu phương hướng. Nếu bạn đã từng nghe về SWOT cho doanh nghiệp, vậy giờ hãy lập một bảng SWOT cho bản thân.

  • Strengths: Điểm mạnh

  • Weaknesses: Điểm yếu

  • Opportunities: Cơ hội

  • Threats: Thách thức

Sau khi nhìn thấy điểm mạnh điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân hãy cải thiện kỹ năng để hạn chế những hạn chế và tối đa hóa những gì mình có. Điều quan trọng là bạn cần cam kết theo đuổi nó đến cùng. Diễn giả, tác giả Larry Winget nói rằng “Chẳng có ai viết ra một kế hoạch để bị phá vỡ, béo phì, lười biếng, hoặc ngu ngốc. Những đó là những gì xảy ra khi bạn không có kế hoạch!”

Dùng bảng SWOT để lập kế hoạch phát triển bản thân
Dùng bảng SWOT để lập kế hoạch phát triển bản thân

3.4. Kỷ luật và thói quen tích cực

Kỷ luật bản thân chia làm bốn cấp độ chính:

  • Động lực và ý chí: Ở cấp độ này, con người dễ dàng có ý chí sục sôi để làm một việc gì đó do tác động từ bên ngoài. Nhưng khi ở cấp độ đầu tiên, kỷ luật bản thân lỏng lẻo và yếu đuối như sợi chỉ, dễ dàng bị kéo đứt. Ví dụ, bạn được nghe một nhà lãnh đạo thành công do đọc rất nhiều sách của người A, vậy là bạn liền mua rất nhiều sách. Bạn ép mình mỗi tuần đọc một cuốn sách nhưng chỉ vài hôm bạn trở nên chán chường rồi bỏ ngỏ.

  • Kỷ luật: Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, chạm đến cấp độ hai của kỷ luật dường như đơn giản hơn. Ý chí mạnh mẽ hơn giúp bạn duy trì việc mình đang làm để đạt được mục tiêu ngay cả khi động lực mờ dần. Tiếp tục ví dụ ở trên, bạn vẫn sẽ tiếp tục duy trì việc đọc sách ngay cả khi bận rộn hoặc không cảm thấy thích đọc sách. Giai đoạn này sẽ rất khó khăn nhưng nếu kiên trì có thể tạo nên thành quả tốt đẹp.

  • Thói quen: Nếu như kỷ luật cần nhiều sức mạnh tâm trí để thúc dục bản thân thực hiện thì khi đến với cấp độ thói quen, bạn sẽ vô thức làm nó mỗi ngày mà không cần động lực thúc đẩy. Nói cách khác, khi bạn kỷ luật bản thân đủ lâu, hành động đó sẽ trở thành thói quen.

  • Nhân dạng: Cấp độ cuối cùng là khi tính kỷ luật trở thành bản sắc của riêng bạn. Bạn liên tục đọc sách vì bạn thích đọc sách mà không cần bất kỳ động lực nào.

Như vậy, xây dựng được lối sống kỷ luật chính là khi lãnh đạo bản thân để làm điều mình muốn và hoàn thành mục tiêu mình đặt ra. Có những thói quen tích cực và kiên trì thực hiện nó sẽ đưa bạn từng bước chạm tới thành công. Nhà triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”

3.5. Học tập và sáng tạo suốt đời

Học tập và sáng tạo suốt đời là yếu tố quan trọng để lãnh đạo bản thân hiệu quả. Bằng cách duy trì tinh thần học hỏi và sự sáng tạo, bạn có khả năng phát triển năng lực lãnh đạo, thích nghi với môi trường thay đổi và tạo ra giá trị đáng kể trong cuộc sống và công việc của mình.

Bộ ba nhóm kỹ năng bạn luôn cần trau dồi để không bị tụt lùi so với xã hội:

  • Kỹ năng nền tảng cần thiết cho công việc thường nhật: kiến thức về tài chính, truyền thông, văn hóa, cong người, công nghệ thông tin…

  • Kỹ năng cạnh tranh để hội nhập toàn cầu: sự sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phê phán…

  • Các phẩm chất nên có trong môi trường thay đổi thường xuyên: tự tìm hiểu, chủ động đưa ra quyết định, kiên trì.

Người biết lãnh đạo bản thân sẽ luôn giữ tư duy học hỏi không ngừng. Đồng thời, họ cũng không gục ngã trước thất bại mà lấy đó làm bài học quý giá. Henry Ford, nhà sáng lập của Ford Motor Company đã bị phá sản tới 5 lần trước khi chạm tới thành công.

Cách đơn giản nhất để học cả đời đó là hãy cam kết với bản thân, đặt ra mục tiêu học tập, đi tìm phương pháp học tập hiệu quả và kiên trì theo đuổi nó.

4. Các kỹ năng cần thiết để lãnh đạo bản thân hiệu quả

Để có thể lãnh đạo bản thân đòi hỏi sự kiên trì rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Cùng tìm hiểu 7 kỹ năng quan trọng nhất mà người muốn lãnh đạo chính mình không thể bỏ qua.

4.1. Kỹ năng quản lý thời gian

Trước hết, một người biết quản lý bản thân phải là người biết phân chia thời gian trong ngày sao cho tối ưu nhất. Đặc biệt nếu bạn đang ở vai trò lãnh đạo, nếu như không thể quản lý thời gian hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp. Vì thế, hãy nắm rõ những việc cần làm cùng quỹ thời gian mình có. Sau đó cân bằng chúng để giải quyết mọi việc một cách trơn tru nhất.

4.2. Kỹ năng quản lý các đầu việc ưu tiên

Quản lý các đầu việc ưu tiên là kỹ năng giúp việc phân chia thời gian của bạn đơn giản hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, việc phân biệt được việc nào nên làm trước, việc nào có thể làm sau giúp bạn hạn chế việc bỏ quên công việc quan trọng và tích tụ công việc nhỏ lẻ.

Có rất nhiều cách để bạn phân cấp công việc, trong số đó Ma trận Eisenhower là phương thức được lựa chọn nhiều. Về cách thực hiện, bạn sẽ kẻ 4 ô vuông với trục hoành là độ “khẩn cấp”, và trục tung là mức độ “quan trọng” của công việc. Sau đó bạn hãy sắp xếp công việc đang có vào các ô sao cho hợp lý.

  • Những công việc nằm trong ô “Khẩn cấp” và “Quan Trọng”: Ưu tiên làm đầu trước

  • Những công việc nằm trong ô “Quan trọng” nhưng “Không khẩn cấp”: Hãy lên kế hoạch và sắp xếp thời gian để thực hiện nó.

  • Những công việc nằm trong ô “Khẩn cấp” nhưng “Không quan trọng”: Ủy quyền cho người khác thực hiện

  • Những công việc nằm trong ô “Không quan trọng” và “Không khẩn cấp”: Có thể bỏ qua.

4.3. Kỹ năng quản lý cảm xúc

Nhà triết gia Plato nói rằng “Hành vi của con người đến từ ba nguồn chính: khao khát, cảm xúc, kiến thức.” Vì thế để lãnh đạo hành vi của bản thân, trước hết người đó phải quản lý cảm xúc của mình thật tốt.

Đặc biệt, đặt mình trong cương vị một lãnh đạo, mỗi lời nói và hành động đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như nhân viên. Vì thế, nếu để cảm xúc lấn át lý trí bạn sẽ đưa ra quyết định sai lầm hoặc tạo một môi trường làm việc tiêu cực. Hãy học cách bình tĩnh trước mọi tình huống, nhìn sâu vào bản chất vấn đề để kiến thức, kinh nghiệm lên tiếng thay vì cảm xúc tức thời.

4.4. Kỷ luật bản thân

Doanh nhân, diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ Jim Rohn nói rằng “Chúng ta phải lựa chọn: Nỗi đau của sự kỷ luật, hay nỗi đau của sự hối hận.” Kỷ luật bản thân là tiên quyết để lãnh đạo bản thân hiệu quả và cũng là con đường dẫn tới những thành công trong tương lai.

Càng là người có tầm ảnh hưởng bạn lại càng cần kỷ luật bản thân tốt. Nếu như bạn là chủ một doanh nghiệp và bạn rèn bản thân luôn tuân theo nguyên tắc, cam kết với văn hóa học tập của công ty, bạn sẽ trở thành tấm gương để nhân viên noi theo. Ngược lại, một người lãnh đạo thiếu kỷ luật sẽ tạo nên một đội nhóm thiếu kỷ luật.

4.5. Kỹ năng quản lý năng lượng

Quản trị năng lượng là khái niệm nghe tương đối mới mẻ nhưng thực chất đây là kỹ năng quan trọng giúp lãnh đạo bản thân. Chúng ta thường rơi vào trạng thái “hết năng lượng” là do năng lượng nạp vào (input) ít hơn năng lượng chúng ta giải phóng (output). Hậu quả trực tiếp của nó là chúng ta chán nản, mất đi sự kỷ luật và dẫn đến từ bỏ.

Để khắc phục tình trạng cạn kiệt năng lượng hay cân bằng được hai chiều năng lượng. Bằng cách hạn chế lãng phí năng lượng với những việc không cần thiết, tập trung năng lượng cho vấn đề quan trọng. Sau đó, đừng quên sạc lại năng lượng qua việc dành thời gian cho bản thân như đọc sách, tập thể dục.

4.6. Kỹ năng quản lý suy nghĩ

Kỹ năng quản lý suy nghĩ là một khía cạnh quan trọng trong việc lãnh đạo bản thân. Đó là cách bạn điều chỉnh, kiểm soát và định hình suy nghĩ của mình để đạt được mục tiêu và đối phó với thách thức. Với cương vị là người lãnh đạo, suy nghĩ của bạn sẽ dẫn đến hành động điều khiển hướng đi và phát triển của doanh nghiệp nên cần cẩn trọng.

Để quản lý suy nghĩ hãy luyện tập kế hoạch và chỉ tập trung thực hiện nó trong khoảng thời gian làm việc. Bên cạnh đó, hãy luôn giữ thái độ tích cực khi làm việc, cũng đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn.

4.7. Kỹ năng kiểm soát lời nói

Không chỉ kiểm soát suy nghĩ, hãy kiểm soát bản thân trong cả những lời mình nói ra. Vì cách bạn truyền đạt thông điệp và tương tác với người khác có thể ảnh hưởng lớn đến sự tôn trọng và các mối quan hệ trong môi trường làm việc.

5. Kết luận

Lãnh đạo bản thân là một việc khó khăn nhưng cũng là một việc đáng giá. Chỉ khi bạn tự chủ được mới có thể dẫn dắt đội nhóm đạt được thành tựu lớn. Hy vọng qua bài viết trên Nam Phong Group đã giúp bạn hiểu tầm quan trọng cũng tự lãnh đạo cũng như cách rèn luyện để lãnh đạo chính mình.

0/5 (0 Reviews)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0939 056 888
Zalo: 0939 056 888